MUÔN KIẾP NHÂN SINH – Những đoạn hay nhất

Muôn kiếp nhân sinh cung cấp cho bạn độc kho kiến thức mới mẻ, vô tận của nhân loại lần đầu được hé mở, cùng những phân tích uyên bác, tiên đoán bất ngờ về hiện tại và tương lai thế giới của những bậc hiền triết thông thái. Thông điệp quan trọng xuyên suốt của tác phẩm thức tỉnh con người chính là nguồn gốc và cách thức vận hành luật Nhân Quả và Luân Hồi của vũ trụ. Đời người tưởng chừng rất dài nhưng lại trôi qua rất nhanh, sinh vượng suy tử, mong manh như sóng nước. Luật Nhân Quả cực kỳ chính xác, chi tiết, phức tạp, được thu thập qua nhiều đời, nhiều kiếp, liên hệ tương hỗ đan xen chặt chẽ lẫn nhau, không ai có thể tính được tích đức này có thể trừ được nghiệp kia, không ai có thể biết được khi nào nhân sẽ trổ quả. Nhưng, một khi đã gây ra nhân thì chắc chắn sẽ gặt quả – luật Nhân Quả của vũ trụ trước giờ không bao giờ sai.

Trích sách muôn kiếp nhân sinh 1 trang 92 – 93

Tuy đã được cảnh cáo nhưng tôi vẫn ngầm muốn sở hữu quyền năng từ các năng lực siêu nhiên kia. Có lần tôi đã hỏi một giáo sĩ có kiến thức về môn này thì ông nói:

  • Hiện nay đầu óc ngươi chưa phát triển đủ về khả năng suy luận mà thường để bản năng chi phối. Muốn sở hữu quyền năng siêu nhiên thì ngươi phải trải qua những giai đoạn tu tập phát triển đức tính hy sinh, nhẫn nại, để kiểm soát chính mình.
  • Như vậy tôi phải làm gì?
  • Trước hết ngươi phải tập tính hy sinh để làm những gì “trái ngược” với những điều mọi người thường làm. Nếu mọi người ham muốn thứ gì đó thì ngươi phải đi ngược lại, nghĩa là từ bỏ cái ham muốn đó. Nếu mọi người chỉ làm điều có lợi cho bản thân thì ngươi phải làm điều ngược lại, nghĩa là chỉ làm những gì có lợi cho người khác. Ngươi phải cho người khác những gì tốt nhát, làm những điều mà không ai muốn làm, và chỉ nhận lấy những gì không ai muốn nhận. Đó là bước đầu trong việc rèn luyện kỷ luật hy sinh, nhẫn nại, để kiểm soát nội tâm. Liệu ngươi có thể làm được như thế không?

 

muôn kiếp nhân sinh
muôn kiếp nhân sinh

Trích sách muôn kiếp nhân sinh 1 trang 143 – 145

 

  • Hay quá, đã lâu lắm rồi tôi không nghe thấy tiếng huýt sáo. Có vẻ khi xưa mọi người sống vui vẻ, hồn nhiên hơn ngày nay thì phải.
  • Ông nói đúng, ngày nay đa số đều bận rộn quay cuồng vì chịu ảnh hưởng của các dịch vụ sản phẩm công nghệ. Nếu không nhắn tin trên điện thoại, xem phim trên tivi thì cũng phải lướt facebook, messenger hay xem youtube nhiều giờ liền trong ngày.
  • Do đó họ không còn tìm thấy sự bình an trong tâm hồn nữa. Lúc nào họ cũng ở trong tình trạng căng thẳng, báo động và mất đi sự hồn nhiên từ bên trong. Ông sẽ thấy số người bị bệnh thần kinh gia tăng nhiều vì đa số người trẻ bây giờ đều mắc chứng suy nhược tinh thần.
  • Nhưng làm thế nào để người ta người ta có thể tìm lại niềm vui đã mất đó.
  • Muốn sống thoải mái, trước hết con người phải khỏe mạnh thông qua việc vận động và nghỉ ngơi đúng nghĩa đầy đủ. Nhiều người trẻ phung phí sức khỏe qua những cuộc vui trác táng mà không biết hậu quả tai hại của nó là gì. Khi khỏe mạnh thật sự vừa về tình thần và thể xác thì ta mới nhìn mọi sự với những khía cạnh tốt đẹp nhất, đúng với những gì bản chất vốn có của nó. Còn khi mệt mỏi, lo toan, căng thẳng đau ốm bệnh tật thì không thể cảm nhận được một luồng gió mát, một tiếng chim hót, một cánh hoa tươi, sự rung động của những chiếc lá lay động trong làn gió nhẹ, âm thanh của một giai điệu bản nhạc hay. Những người trẻ bây giờ làm việc, ăn và ngủ ngay trên bàn làm việc chứ đâu biết tìm sự thoải mái khi nghe bài nhạc yêu thích, đi dạo trong công viên để đầu óc được thư giãn. Họ nói cần sự tập trung tìm sự sáng tạo trong công việc nhưng họ đâu có nhận thức được rằng chính sự thoải mái tinh thần mới làm cho bộ óc của họ trở nên lạc quan và sáng tạo hơn.
  • Ông nói vậy, chứ tôi thấy nhiều người trẻ bây giờ vẫn tập thể thao đấy chứ, như chạy bộ, gym chẳng hạn.
  • Họ chạy hay tập gym nhưng đầu óc vẫn bận rộn với đủ thứ việc. Có khi họ vừa chạy vừa tập vừa nghe nhạc hay theo dõi tin tức qua chiếc tivi ở đó hay iphone. Đó chỉ là vận động thể xác thôi chứ không phải là nghỉ ngơi, thư giãn. Việc nâng cao sức khỏe thể chất phải đi đôi với nâng cao sức khỏe nội tâm và tránh nuôi dưỡng các cảm xúc tiêu cực. Khi họ quan tâm chú ý đến từng hành động, từng hơi thở của mình thì họ sẽ vui vẻ, lạc quan hơn. Nếu họ tự đặt cho mình một thông lệ là mỗi ngày chờ đón một niềm vui bất ngờ xuất hiện thì họ sẽ cảm nhận được niềm vui đó. Nếu họ tự biết nói với mình rằng thật may mắn khi được hít thở bầu không khí trong lành vào buổi sáng sớm, hay thât sung sướng khi được giẫm chân lên những chiếc lá khô vàng hay mặt cỏ còn đẫm sương mai, thì họ sẽ tìm được ngay những nguồn vui bất ngờ. Nhờ có cảm giác tích cực về cuộc sống mà họ mới có đủ sức đương đầu với những khó khăn và vượt qua những trở ngại.

Trích sách muôn kiếp nhân sinh 1 trang 149-150

 

  • Trong giai đoạn này, yếu tố quan trọng nhất mà họ phải học là sự đau khổ. Tất cả những người tham lam, ích kỷ đều phải trải qua bài học về sự đau khổ. Do đó mới có một quy luật gọi là Luật Nhân Quả. Mọi hành động gây ra đều có phản lực dội lại, gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy. Hiện nay đa số nhân loại đều đang đi trên con đường này. Vì họ chưa tìm được niềm hạnh phúc thật sự bên trong nên họ phải tìm vui qua sự sở hữu, chiếm đoạt tài sản vật chất bên ngoài, bởi thế mới có sự bóc lột và chiến tranh. Qua các biến cố này, con người mới thấm thía đau khổ là gì, nhưng để học được bài học, họ còn phải trải qua rất nhiều kiếp nữa vì đây là một bài học rất khó tiếp thu trọn vẹn. 
  • Nhưng ai đã đặt ra những luật lệ này và các yếu tố này xuất phát từ đâu?
  • Không ai đặt ra luật lệ này cả vì đó là những quy luật của vũ trụ. Nó hiện hữu và chi phối vạn vật trong vũ trụ. Giống như bạn hỏi ai đã làm Trái Đất này quay chung quanh một quỹ đạo hay ai đã làm cho mặt trời chiếu sáng thì không ai có thể trả lời được, vì đó là luật vũ trụ. Vì không thể giải thích được nên một số người đã tạo ra tên gọi “Thượng Đế” ám chỉ một cá nhân nào đó ngồi trên cao tạo ra luật pháp. Thật ra “Thượng Đế” chỉ là một danh từ để nói về các quy luật của vũ trụ mà thôi.
  • Hiện nay trên khắp thế giới, mọi người đều tìm mọi cách để vơ vét, chiếm hữu. Họ làm việc không ngừng chỉ để thu thập được thật nhiều của cải, tài sản vật chất bất chấp mọi thủ đoạn. Từ đó sinh ra đủ thứ tệ nạn như bóc lột, đàn áp, đè nén, áp bức, rồi dẫn đến sự chênh lệch quá lớn về người giàu và người nghèo. Nếu quan sát kỹ, ta sẽ thấy rõ dù thành công hay thất bại, dù giàu hay nghèo, xã hội nào hiện giờ cũng đều có rất nhiều người mắc bệnh thần kinh – như lo lắng, sợ hãi, buồn rầu, chán nản,… Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy càng ngày số người mắc bệnh nan y càng nhiều. Số người chết vì đau tim, đột quỵ nhiều hơn bao giờ hết. Số người mắc các bệnh như ung thư cũng gia tăng nhiều hơn những năm trước. Đối diện với cái chết, họ bàng hoàng, đau khổ và lúc đó họ mới ý thức rằng tiền bạc, của cải, danh vọng không thể giúp họ sống mãi và khi chết họ cũng không thể mang theo thứ gì. Đó là bài học họ phải học ở kiếp này. Thật ra, việc theo đuổi dục lạc vật chất này không bao giờ chấm dứt và không bao giờ được thỏa mãn. Con người có thể hoạt động cả đời hòng tìm kiếm sự giàu sang nhưng họ vẫn không cảm thấy thỏa mãn. Càng kiếm được, họ lại muốn có nhiều hơn vì lòng tham thì vô đáy. Kinh Veda cũng nói rõ ràng: “Đó chính là lấy dầu để dập tắt lửa”.
muôn kiếp nhân sinh
muôn kiếp nhân sinh

Trích sách muôn kiếp nhân sinh 1 trang 165 – 169

  • Đối với loài vật thì con người là một sinh vật cao siêu. Điều đáng tiếc là chúng ta mang danh “cao siêu” nhưng lại đối xử tàn ác với loài vật thay vì thương yêu và thông cảm với những sinh vật thấp kém hơn chúng ta. Nếu để ý, bà có thể thấy con người là nguyên nhân gây ra đau khổ cho thú vật. Họ giăng lưới hay đặt bẫy để bắt chim, dùng lông thú vật làm đẹp cho quần áo. Họ xem việc bắn giết loài thú như một trò giải trí, bất chấp nỗi đau khổ gây ra cho loài thú không tinh khôn bằng mình. Những việc làm tàn ác này gây ra nỗi sợ hãi cho loài vật. Sợ hãi là một dạng cảm xúc tiêu cực làm trì trệ sự tiến hóa trong tự nhiên. Sự sợ hãi đối với con người bắt đầu từ những loài cấp thấp và tiếp tục lan truyền khắp muôn loài.
  • Nhưng đâu phải ai cũng giết súc vật để giải trí như ông nói. Người ta ăn thịt loài vật để nuôi dưỡng thân thể…
  • Đó là một quan niệm sai lầm. Nếu bà đồng ý rằng trên con đường tiến hóa để trở nên tốt đẹp hơn, con người phải thanh lọc những điều ô trược. Loài thú có sự tiến hóa thấp hơn loài người, nếu ta ăn thịt chúng thì chính chúng ta lại hấp thụ những thứ ô trược đó vào trong cơ thể. Vậy làm sao chúng ta có thể đi xa trên con đường trở về nguồn sống thiêng liêng cho được.
  • Nhưng đó chỉ là lý thuyết mà thôi, chứ đã có ai chứng minh rõ ràng đâu
  • Thôi được, chúng ta hãy làm sáng tỏ vấn đề dựa trên lý luận khoa học cho dễ hiểu. Khi súc vật bị giết, chúng sợ hãi và cơ thể chúng tiết ra những chất độc. Bà cũng biết rằng, mỗi khi lo lắng, cơ thể con người cũng tiết ra những hóa chất độc hại – nhẹ thì làm chua bụng, nhức đầu, đau lưng, hồi hộp, mất ăn, mất ngủ… nặng thì làm hại hệ thần kinh, gây ra các chứng bệnh như đau tim, sưng phổi, ung thư… Khoa học cũng đã chứng minh điều này. Vậy thì loài vật khi đối diện trước cái chết, điều gì diễn ra trong cơ thể chúng? Chắc chắn chúng sợ hãi vô cùng và cơ thể chúng tiết ra các hóa chất vô cùng độc hại. Khi chúng ta tiêu thụ những chất độc đó thì chuyện gì sẽ xảy ra cho cơ thể chúng ta?

  • Hiện nay, đa số mọi người đều thích ăn thịt loài vật, từ những con côn trùng bé nhỏ cho đến các loại tôm cá, rồi đến những sinh vật lớn hơn như heo, bò, trâu, dê… Nhu cầu ăn thịt đã tạo ra ngành chăn nuôi quy mô lớn trên khắp thế giới. Nhưng mấy ai nhìn thấy trong thời gian rất ngắn, số người mắc bệnh cũng gia tăng theo cấp số nhân. Đủ các thứ bệnh, từ nhức đầu, đau bụng đến đau tim, đột quỵ, ung thư…

    Một thời gian nữa sẽ có nhiều chứng bệnh quái lạ chưa từng có mà khoa học phải bó tay. Không mấy người biết đặt câu hỏi tại sao nền văn minh nhân loại tiến triển cao mà lại sản sinh ra nhiều bệnh khó trị như thế. Chữa trị bệnh cũng trở thành một ngành kinh doanh khổng lồ với những viện nghiên cứu và bệnh viện rất lớn. Khi có bệnh, ai cũng lo chữa trị. Bệnh càng nặng, chi phí cho việc chữa trị càng cao. Bà có thể thấy ngành công nghiệp thực phẩm và chữa trị bệnh có liên quan mật thiết với nhau và có khả năng sinh lời rất nhiều. Do đó, khắp nơi trên thế giới có rất nhiều ấn phẩm quảng cáo chiêu dụ con người ăn những thứ độc hại đó và uống những loại thuốc có thể chữa bệnh tật. Nhưng việc này không dừng ở đây mà còn tiếp diễn ở kiếp sau nữa. Ông bà có biết điều gì sẽ xảy ra không?

 

  • Khi con người hấp thụ năng lượng của loài vật qua việc ăn thịt chúng thì sinh lực của họ chứa đầy những năng lượng của loài vật này có phải không? Và với những năng lượng loài vật như thế thì họ sẽ chuyển hóa như thế nào? Làm sao họ có thể tái sinh thành người vào kiếp sau được? Một cái kho sinh lực chứa toàn nguyên tử của loài thú chỉ có thể chuyển hóa thành loài thú mà thôi, có đúng không? Nói cách khác, họ đi ngược con đường tiến hóa mà họ đã phải mất bao nhiêu kiếp học hỏi để thành người, rồi lại thoái hóa trở lại thành thú vật bởi vì nguyên nhân ăn uống này. Khi trở thành loài vật, họ sẽ chịu số phận bị bắt, bị đánh đập, bị giết để bài học về sự đau khổ mà họ đã gây ra cho sinh vật kia. 

 

  • Nghe ông nói mà tôi thấy lạnh cả người! Quan niệm này ghê gớm quá, nhưng dù sao đó cũng chỉ là lý thuyết thôi, chưa phải… à, không đúng với thực tế phải không ông?

 

  • Bà có thể xem đó là một lý thuyết cũng được. Bà có thể xem việc ăn thịt cá là cần thiết để bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể cũng không sao. Bà cũng có thể loại bỏ những dữ kiện về bệnh tật sinh ra do ăn uống và tiếp tục ăn uống như đa số mọi người, nhưng đến lúc mắc bệnh thì bà sẽ nghĩ khác. Lúc đó có muốn kiêng khem cũng đã muộn và thuốc men chữa trị cũng chỉ kéo dài thêm thời gian mà thôi. Người ta có thể tin hay không tùy theo sự hiểu biết của họ vì trước sau ai cũng phải học những bài học cần thiết. Bà có thể học vào lúc này hay chờ đến lúc khác, tùy vào bà thôi. Chắc bà cũng biết câu ngạn ngữ cổ “ Ăn thứ gì thì trở thành thứ ấy”. Do đó, các nhà hiền triết khi xưa đều chủ trương ăn rau quả, không ăn thịt cá.
muôn kiếp nhân sinh
muôn kiếp nhân sinh

Trích sách muôn kiếp nhân sinh trang 180 – 181

 

  • Tuy nhiên, ông bà cũng nên lưu ý rằng có nhiều người chỉ muốn làm việc tốt để kiếp sau họ sẽ được hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ sẵn sàng bỏ tiền ra làm từ thiện để sau này được sinh ra trong gia đình giàu có. Đó là một sự trao đổi. Bỏ cái này để đổi lấy một cái khác như thế vẫn là tham lam, đầy tính chấp ngã. Hành động thiện cần được làm với sự sáng suốt, biết rằng nếu không làm thế, con người chỉ đem lại thất vọng, đau khổ cho chính họ. Làm việc thiện là điều tiên quyết giúp con người sống thoải mái, an nhiên tự tại, hòa nhịp với bản thân họ và với tất cả mọi người. Nghĩ đến kết quả chỉ là một sự mong cầu, tham lam và ích kỷ. Tất cả những gì ham muốn, mong cầu chỉ mang đến sự thất vọng. Không có sự mong cầu nào trở thành hiện thực như đã muốn. Sự mong cầu chỉ khiến con người chỉ chú ý đến tương lai xa vời và như thế là không đúng với con đường hành động Karma Yoga. Hành động thiện phải được thực hiện bằng cả tâm hồn một cách tự nhiên, không có bất kỳ cái gì khác xen vào thì mới thật sự là việc thiện. Làm việc thiện để cho người khác biết là không đúng vì có yếu tố cá nhân tiềm ẩn trong đó.
muôn kiếp nhân sinh
muôn kiếp nhân sinh

Trích sách muôn kiếp nhân sinh trang 181 – 182

 

  • Nếu Luật Nhân Quả là đúng thì tại sao hiện giờ có những người làm bao điều ác mà vẫn sống thoải mái, sung sướng, không bị sao cả? Nhiều người gian lận, lừa bịp chiếm đoạt tài sản của người khác mà họ vẫn sống thảnh thơi, sức khỏe vẫn tốt. Tại sao họ không bị trừng phạt?
  • Họ chưa bị trừng phạt đó thôi. Họ sẽ lãnh những hậu quả của những việc họ làm. Nếu không phải lúc này thì vào lúc khác. Nếu không kiếp này thì kiếp khác. Vì cuộc đời chúng ta là hữu hạn nên không mấy ai có thể nhìn rõ những tác động của tạo hóa. Trong vũ trụ này, không có gì xảy ra ngẫu nhiên đâu mà tất cả đều phải tuân theo quy luật bất biến. Tất cả hành tinh, mặt trời, mặt trăng đều tuân theo quy luật của vũ trụ. Trái Đất ta đang sống cũng như thế vì luật vũ trụ không phân biệt hay thiên vị với bất kỳ ai. Gieo nhân nào sẽ gặt quả đó, khi quả đến lúc chín muồi thì sự việc quả sẽ xảy ra. 

 

  • Khi bước vào cuộc đời, tất cả mọi người đều mang theo một số thói quen từ quá khứ hay những kiếp sống trước. Những gì xảy ra cho chúng ta trong đời sống hiện tại đều là quả của các nhân đã gieo trồng từ trước. Bất cứ hành động, lời nói hay tư tưởng nào của chúng ta cũng đều là nhân và có khi nó trổ quả ngay lúc này, nhưng có khi nó tiềm ẩn và trổ quả vào lúc khác. Chúng ta là người tạo ra số phận của mình. Không ai có thể thực sự làm gì cho ta được. Tất cả chúng ta trong mỗi giây phút đều có cơ hội để gieo trồng hay gây nhân cho chính mình. Nhân tốt hay xấu đều do ta tạo ra, và khi nào nó trổ quả còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa. 

“Đừng bao giờ làm bất cứ việc gì mà không suy xét đến hậu quả của nó”

muôn kiếp nhân sinh

Trích sách muôn kiếp nhân sinh trang 213

 

  • Phần lớn bệnh của trẻ con đều do thiếu sự săn sóc hay thiếu tình thương mà ra. Đa số cha mẹ của những đứa trẻ này đều bận rộn với sinh kế, mấy ai có thời giờ săn sóc cho chúng đâu, nhất là những đứa bé mới sinh. Tuy chỉ là bệnh thời khí thông thường nhưng nhiều đứa bé vẫn chết, mà nguyên nhân chỉ là thiếu sự chăm sóc.

 

  • Ông là y sĩ mà nói năng thật vô lý. Tình yêu thương là cái quái gì mà có thể chữa được bệnh tật?

 

  • Tôi là y sĩ được huấn luyện về y học trong nhiều năm nhưng trường y đâu có dạy về tình yêu thương. Các giáo sĩ cũng đâu biết gì về tình thương. Khi tìm hiểu về các căn bệnh của trẻ em và nguyên gây ra bệnh thần kinh ở người lớn, tôi bắt đầu ý thức về nhu cầu của con người đối với thứ tình cảm này. Thật ra không có gì cần thiết cho con người hơn là tình yêu thương.

 

  • Sao lại như thế được? Trẻ con mạnh khỏe là nhờ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Hiện nay, xã hội Ai Cập đang yên ổn, mọi người đều được an hưởng thái bình cơ mà.

 

  • Cậu nói đúng, cuộc sống hiện nay đã tốt hơn trước. Dĩ nhiên đối với trẻ nhỏ, chúng cần thực phẩm để nuôi dưỡng cơ thể, nhưng thỏa mãn nhu cầu ăn uống vẫn không đủ vì còn có một nhu cầu quan trọng hơn, giúp chúng có sức mạnh và đề kháng chống lại bệnh tật, đó là tình thương. Đối với chúng được thương yêu chăm sóc là một điều kiện tất yếu của sự sống còn, trưởng thành. Thiếu tình thương chúng rất dễ bị mắc bệnh và không thể chống chọi trước những căn bệnh hiểm nghèo. Nếu không được săn sóc chu đáo dù được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, chúng vẫn dễ mắc phải những căn bệnh khó trị. Khi lớn lên, nếu không được yêu thương, chúng dễ trở thành những kẻ hung ác, vô cảm và ích kỷ. Hiện nay, Pharaoh cho xây cất đền đài, lăng tẩm khắp nơi, nên phần lớn dân chúng đề bị xung công đi xây cất những công trình này, không mấy ai có thể săn sóc con cái cẩn thận vì người nào cũng bận lo công việc sinh kế. Do đó, hiện nay số trẻ con ốm đau bệnh tật đang gia tăng nhiều hơn những năm trước. 

 

Trích sách muôn kiếp nhân sinh trang 217 – 218

 

  • Mỗi đứa trẻ đều có hành động tùy theo lối cư xử của cha mẹ hay xã hội dành cho chúng. Tùy theo việc đứa trẻ được cha mẹ dạy dỗ như thế nào, được thương yêu hay bị đánh đập mà cuộc đời đối với nó trở nên đáng ghét hay đáng sống. Khi mới được sinh ra, đứa trẻ nào cũng có khả năng yêu thương vì nó được sinh ra qua tình yêu thương của cha mẹ. Nếu nó được sống trong yêu thương, nó sẽ biết thương yêu. Trái lại, nếu không được thế thì khả năng thương yêu của nó sẽ mất đi và nó chỉ biết sống một cách vô ý thức. Làm sao nó có thể thương ai được nếu như trước giờ nó chưa hề được ai thương? Làm sao có thể yêu ai được khi nó không hề được ai yêu? Làm sao nó có thể thông cảm với nỗi khổ đau của người khác khi năng yêu thương đồng cảm của nó đã bị thui chột? Do đó, mối quan hệ của nó và những người xung quanh sẽ trở nên hời hợt và bị giới hạn trong những điều rất nhỏ, không thể vươn tầm mắt ra xa hay bay bổng lên cao được. Đầu óc của những đứa trẻ này sẽ chỉ giới hạn trong những mối lợi nhỏ nhen, những thú vui vật chất tầm thường, những thói tham lam, ích kỷ chứ không thể nào làm những việc lớn được. Là y sĩ, tôi đã chữa cho nhiều người, quan sát nhiều điều, và thấy rõ rằng phần lớn những kẻ hung ác, tham lam, tàn nhẫn đều là những kẻ vốn dĩ bị thiếu tình thương.

 

Trích sách muôn kiếp nhân sinh trang 220

 

  • Đối với người lớn cũng thế, thay vì trừng trị, đáng ra ta phải cho họ cơ hội để thay đổi, để tập thương yêu, vì tình thương là một năng lực sáng tạo có thể làm chuyển hóa, có thể chữa lành mọi bệnh tật, có thể thay đổi tất cả mọi thứ. Với tình thương, người trao yêu thương và kẻ được thương yêu đều trở nên sung sướng. Tình thương là một thứ ai cũng có thể cho đi mà không bao giờ sợ phung phí. Một khi xã hội được xây dựng dựa trên nền tảng của tình yêu thương, nó sẽ có năng lực xây dựng, gắn ết mạnh mẽ, có thể khắc phục mọi sự. Một xã hội được xây dựng dựa trên sự oán ghét, hận thù thì khó mà tồn tại vì nó sẽ phá hủy tất cả mọi thứ. Tuy nhiên, hiện nay đã mấy người biết thương yêu hay tha thứ như thế.

 

Trích sách muôn kiếp nhân sinh trang 238 – 239

 

  • “Tại sao trước giờ ngươi cứ mải miết đi tìm kiếm Ta ở bên ngoài? Hãy quay vào bên trong nội tâm, ngươi sẽ gặp Ta”

 

Tôi lặng người trong giây phút cảnh giới xuất thần lạ lùng đó và tự nhiên hiểu rằng từ trước đến nay tôi đã đi tìm ở bên ngoài nên không có được kết quả, câu trả lời chỉ đến từ bên trong và nếu biết quay vào bên trong thế giới nội tâm của mình – mọi câu hỏi dường như sẽ được giải đáp. Con người luôn thường có thói quen thích lệ thuộc, muốn đi tìm sự trợ giúp từ bên ngoài nhưng đôi lúc chính bản thân họ đã có đủ sức mạnh cùng lý lẽ trực giác giải quyết được vấn đề rồi.

 

Luật Luân Hồi với hai yếu tố chính là tiến hóa và thoái hóa

 

  • Không chỉ có kiếp người mới có luân hồi, tái sinh mà các đế chế, triều đại, các nền văn minh của nhân loại của hành tinh này cũng có những chu kỳ luân hồi – theo một quy luật không có gì la vĩnh hằng mãi mãi.

 

Trích sách muôn kiếp nhân sinh trang 287 – 288

 

  • Tôi chỉ biết yêu thương và cảm nhận rằng: một khi được yêu thương, con người có thể mạnh mẽ, khỏe mạnh hơn và trẻ con cũng vậy.

 

  • Nếu bây giờ, có một người đàn ông yêu thương một người phụ nữ, muốn nàng hoàn toàn thuộc về, thì như ngươi nói, tình thương yêu đáp lại của người phụ nữ đó sẽ làm người đàn ông mạnh mẽ hơn. Ngươi sẽ nghĩ sao?

 

  • Thưa hoàng hậu, tôi không biết đó có phải là tình yêu thương thực sự không, hay là một sự chiếm hữu – sự chiếm đoạt sẽ gây ra đau khổ. Tình yêu thương phải từ hai phía chứ không thể gây đau khổ cho người khác được.

 

  • Còn nếu một người phụ nữ hy sinh cho một người đàn ông khác mặc dù người đàn ông đó không để ý đến mình thì ngươi có cho đó là tình thương yêu không?

 

  • Thưa hoàng hậu, tình yêu thương thật sự không thể tạo ra đau khổ mà chỉ mang lại niềm vui. Nếu hy sinh mà gây ra sự chịu đựng, đau khổ thì đó là một cái gì đó khác chứ không phải là tình thương yêu chân thật.

 

  • Nếu như thế, tình thương yêu là gì?

 

  • Tôi chỉ biết thương yêu vô điều kiện mà thôi

 

  • Nếu vậy, tình thương giữa vợ chồng thì như thế nào? Liệu người ta có thể yêu thương nhau như thế không?

 

  • Nếu họ yêu thương chân thành, không thiết tha bám víu hay đòi hỏi một điều gì cả thì đó là tình thương thật sự. Nếu bám víu, lệ thuộc vào một điều gì đó thì đấy chỉ là sự hấp dẫn, vì nếu không được gần nhau, không được đền đáp, họ sẽ khổ đau. Tình thương thật sự không thể dẫn đến đau khổ. Những người biết yêu thương như thế, dù có cách xa thì tình yêu của họ dành cho nhau cũng không bao giờ thay đổi.

 

  • Cha tôi dạy rằng có hai động lực điều khiển đời sống con người: lòng tham và tình thương. Lòng tham dẫn đến việc sử dụng tất cả mọi thứ, kể cả bạo lực, để chiếm lấy cái mình muốn. Tình thương thì khác, nó chỉ biết cho đi chứ không đòi hỏi gì hết. Mẹ tôi cũng dạy rằng cha mẹ không bao giờ đòi hỏi con cái phải làm gì để bù lại những hy sinh của họ. Bổn phận của họ là yêu thương con cái, có thế thôi. Từ đó, tôi biết trong mọi việc, dù lớn hay nhỏ, đều phải có thái độ như thế. Đừng mong mỏi hay đòi hỏi được đền đáp điều gì. Nên là người cho đi, nên là người giúp đỡ người khác, thương yêu tất cả, dù bị lừa gạt cả trăm lần. Đừng kể những điều tốt đã làm, đừng nhắc những gì đã cho, đừng chờ đợi ai trả ơn, đừng cố muốn có những gì vốn không thuộc về mình – và hãy vui tươi thanh thản sống như thế thì sẽ hạnh phúc thực sự.

 

“Ta chính là tình thương”

“Chân lý không phải là điều để mang ra nói mà là điều người ta chỉ hiểu được qua công phu tu tập mà thôi”

 

Trích sách muôn kiếp nhân sinh trang 358 – 359

 

  • Thành trụ hoại diệt
  • Nếu vào chu kỳ sau, tất cả phải bắt đầu bằng con số không hay sao?
  • Đúng thế, tất cả đều phải bắt đầu lại từ đầu vì mỗi chu kỳ đều có những bài học và giá trị riêng, chỉ hữu ích cho con người vào thời đại đó thôi. Như tôi đã nói, CS là một ngôi trường và con người phải học những bài học cần thiết. Có người học nhanh, có người học chậm, do đó họ phải trải qua nhiều kiếp sống trong chu kỳ đó để học những bài học cần thiết.
  • Qua sự sắp đặt của Nhân Quả, ông sẽ gặp lại cô này để trả nợ cho những hành động ông đã gây ra và tiếp tục học bài học này trong những kiếp sau vì đó là ý nguyện của ông. Tất cả mọi người khi từ trần đều có những tư tưởng riêng, như yêu thương, giận hờn, thù hận, hay hối tiếc… và những điều này sẽ trở thành những yếu tố dẫn dắt họ vào kiếp sau.

 

Trích sách muôn kiếp nhân sinh trang 362 – 364

 

  • Ngày nay, đa số mọi người đều sống vội vã, thụ động và để cho tiền bạc, của cải vật chất chi phối họ. Dĩ nhiên không ai có thời giờ xem những tài liệu cổ để biết người xưa đã làm việc như thế nào. Tuy nhiên, chỉ cần vài người có tâm huyết, đề xướng và hành động theo như thế thì mọi việc sẽ thay đổi. Hiện nay hầu hết mọi người làm việc, bất cứ nghề nghiệp gì, cũng thiếu đi một hai yếu tố quan trọng là lòng trắc ẩn và lương tâm chức nghiệp. Nền giáo dục hiện nay dạy con người làm việc để kiếm sống chứ không hề đề cao đạo đức và lương tâm chức nghiệp, do đó nó còn thiếu sót và cần được bổ túc thêm. Dĩ nhiên, mọi người đều phải làm việc để nuôi thân nhưng họ cũng cần làm việc với tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm nữa. Đời người trôi qua rất nhanh, mong manh như bọt nước, sống nay chết mai, nhưng mấy ai ý thức được điều đó. Đời người lúc thịnh lúc suy, tiền tài sự nghiệp cũng lúc có lúc không, lúc giàu sang phú quý, lúc nghèo túng, khổ sở. Nếu sống mà không có mục đích rõ ràng trong đời, nếu không có lòng trắc ẩn hay lương tâm chức nghiệp ngay từ lúc bắt đầu làm việc, thì bất luận làm gì, hay đi hướng nào, ta rất dễ bị mê mờ, bị chi phối bởi lòng tham, rồi lạc mất mục đích, mất phương hướng, không còn nhận biết con đường mình phải đi, nên càng sống càng mờ mịt, phải hứng chịu những hậu quả của việc mình làm. Người xưa đã học được những bài học này nên để lại những tài liệu hữu ích. Nếu ta không biết khôi phục lại những giá trị đạo đức này thì khó mà tránh khỏi những hậu quả to lớn sẽ xảy đến trong tương lai. 

  • Chu kỳ: Mọi sự đều tuân theo luật chu kỳ. Thật ra điều này rất rõ ràng, nhưng nhiều người không để ý đấy thôi. Ông hãy nhìn vào sự thay đổi của ngày và đêm. Ngày bắt đầu từ lúc rạng đông, rực rỡ vào buổi trưa, thoái hóa vào lúc hoàng hôn và mất đi khi màn đêm xuống. Đời người cũng thế, bắt đầu từ khi sinh ra, lớn lên, rồi già yếu và sau cùng là chết. Nếu nhìn rộng hơn nữa, sự phát triển của quốc gia cũng như thế. Khi được khai lập là Thành, khi phát triển lớn mạnh là Trụ, rồi suy thoái là Hoại và biến mất trên bản đồ là Diệt. Tuy nhiên, các giai đoạn này kéo dài lâu hay chóng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa. Điều này chỉ có thể giải thích bằng luật Nhân Quả. 
  • Luật Nhân Quả là một quy luật của Vũ Trụ. Mỗi người hành động như thế nào sẽ tạo ra phản ứng ngược lại. Tất cả những gì ta làm sẽ quay lại chi phối chính mình, do đó mỗi người phải chịu trách nhiệm cho những việc mình làm. Đây được gọi là biệt nghiệp hay nghiệp quả riêng của từng cá nhân. Do sự thu xếp mầu nhiệm và phức tạp của nhân quả nên những người có nghiệp nhân giống nhau sẽ sống gần nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, và hưởng thụ hay chịu đựng cùng nhau. Đây được gọi là cộng nghiệp hay nghiệp quả chung của số đông. 
  • Cũng như thế, mỗi quốc gia đều có nghiệp quả riêng của nó. Những người được sinh ra hay sống trong cùng một quốc gia đều có mối liên hệ với nhau, hay cùng chung một cộng nghiệp. Cộng nghiệp của một quốc gia không chỉ riêng cho con người, mà cho mọi sinh vật sống trong đó. Nếu nhìn thế giới ngày nay, ông có thể hỏi tại sao có người được sinh ra ở quốc gia này chứ không phải ở quốc gia khác? Tại sao có người được sinh ra ở một quốc gia hùng cường, giàu mạnh, hưởng mọi sự sung sướng trong khi người khác được sinh ra ở những nơi nghèo đói, chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai triền miên? 

 

Trích sách muôn kiếp nhân sinh trang 385 – 386

 

  • Từ xa xưa đã có những bệnh truyền nhiễm như dịch hạch, lao phổi, đậu mùa… Những căn bệnh này đã giết chết hàng triệu người nhưng trong tương lai, sẽ có những căn bệnh ghê gớm hơn có thể tiêu diệt phần lớn dân chúng thế giới. Tại sao lại như thế? Vì dịch bệnh cũng do chính con người gây ra. Khi con người tàn sát, giết hại loài vật thì những con thú này phản ứng như thế nào? Hiển nhiên chúng không thể chống trả lại bằng cơ thể của loài thú, nhưng chúng có thể trở thành hàng triệu con vi trùng hay vi rút gây ra dịch bệnh, khi đó con người không thể phản ứng gì được. Hiển nhiên, nếu con người ăn thịt loài vật, thì sau đó loài vật sẽ ăn thịt lại con người. Khi con người tìm sự khoái lạc qua việc giết hại thú rừng và ăn thịt chúng, thì những con vi trùng, vi rút cũng sẽ tàn phá thân thể con người. Và cái vòng thù oán này sẽ tiếp tục, không bao giờ chấm dứt. 

 

  • Nếu ông hiểu được luật Chu kỳ & luật Nhân Quả thì ông sẽ thấy mọi sự thay đổi, chuyển hóa không ngừng. Cái gì đi đến cực điểm cũng sẽ thay đổi. Tốt đến cực điểm có thể trở thành xấu. Ác đến cực điểm cũng có thể hóa thiện. Một người nghèo đến cùng cực có thể trở nên giàu có, trong khi người giàu đến cực điểm cũng có thể trở thành trắng tay. Khi mới sinh ra, chúng ta chỉ là một đứa bé, rồi chúng ta lớn lên, trưởng thành, già nua và chết. Đó là chu kỳ của Thành – Hoại luân chuyển trên thế gian này. Đó là sự biến đổi tự nhiên, liên tục theo luật Chu Kỳ. Đó chính là tiến trình biến đổi và chuyển hóa của vũ trụ mà không mấy ai để ý đến. Điều quan trọng nhất trong thời đại này là đừng quên tất cả chúng ta đều là người chứ không phải là loài vật. Chúng ta phải sống có ý nghĩa, có mục đích. Bài học chúng ta cần phải học là hiểu rõ luật Nhân Quả và chịu trách nhiệm cho mọi hành động của mình. Và một khi con người tự tâm có ý thức thay đổi làm việc tốt, phát tâm tích đức, tạo phúc cũng có thể tác động giảm, tiêu trừ bớt nghiệp quả. Tác động tương hỗ bù trừ này được luật Nhân Quả của vũ trụ xét trên nhiều yếu tố chứ không đơn thuần như phép cộng trừ nhân chia. 

 

Bồ Tát sợ Nhân, chúng sinh sợ Quả

Luật Nhân Quả & Luật Nhân Hồi – Luật Chu Kỳ

Bồ Tát sợ Nhân, Chúng Sinh sợ Quả. Nhưng giữa biết và thấu hiểu có một khoảng cách rất xa. Từ biết, hiểu rồi trở thành niềm tin thực sự còn tùy thuộc vào độ trải nghiệm thực tế và căn duyên của mỗi người. Nhưng, ở trên đời có nhiều chuyên xin “đừng đợi thấy mới tin”…

 

Hãy nhìn khắp thế giới hơn 7 tỷ người, có bao nhiêu người đang hành động độc ác, vô nhân tính? Có những quốc gia đang đối xử với người khác tàn độc như thế nào? Có bao nhiêu cái chết thương tâm và cuộc sống bi đát của nhiều con người vô tội đã và đang diễn ra? Hãy thử nghĩ nếu tất cả đều chịu học hỏi và hiểu rõ về Nhân Quả, biết rõ một khi “gieo nhân gì sẽ gặt quả đó” thì có ai dám hành động vô nhân tính như vậy nữa không? 

 

Thường thì con người, khi hành động, ít ai nghĩ đến hậu quả, nhưng một khi hậu quả xảy đến thì họ nghĩ gì, làm gì? Họ oán hận, trách trời, trách đất, trách những người chung quanh hay ai đó đã gây ra những hậu quả đó? Có mấy ai biết chiêm nghiệm, tự trách và thay đổi chính mình không?

 

Tôi mong chúng ta – những cánh bướm bé nhỏ rung động mong manh cũng có thể tạo nên những trận cuồng phong mãnh liệt để thức tỉnh mọi người.

 

Tương lai của mỗi con người, mỗi tổ chức, mỗi quốc gia và cả hành tinh này sẽ ra sao trong giai đoạn sắp tới là tùy thuộc vào thái độ ứng xử, nhìn nhận và thức tỉnh của từng cá nhân, từng tổ chức, từng quốc gia đó tạo nên. Nếu muốn thay đổi, cần khởi đầu bằng việc nhận thức, chuyển hóa tâm thức, lan tỏa yêu thương và chia sẻ sự hiểu biết từ mỗi người chúng ta trước.

 

Nhân Quả đừng đợi thấy mới tin. Nhân Quả là bảng chỉ đường, giúp con người tìm về thiện lương.

 

Tóm Tắt

Bất cứ một hành động nào cũng tạo ra một nhân, và đã có nhân thì ắt phải có quả. Đó là quy luật của vũ trụ.

Con người sớm muộn gì cũng sẽ phải nhận lãnh hậu quả của những việc họ đã gây ra. Nếu không phải lúc này thì vào lúc khác, không ở kiếp này thì kiếp khác. Cuộc đời là hữu hạn nên không mấy ai có thể nhìn rõ những tác động của tạo hóa. Trong vũ trụ và trên trái đất này, không có gì xảy ra ngẫu nhiên, tất cả đều tuân theo những quy luật bất biến. Luật vũ trụ không phân biệt, bỏ sót hay thiên vị bất kỳ một ai.

Mọi sự vật trên cõi đời này đều do nhân duyên phát khởi mà thành, tất cả đều có liên quan tương hỗ lẫn nhau. Nhân sinh quả, quả lại tạo nhân, lớp lớp trùng trùng, có khi dung hòa có khi đối kháng, tương tác lẫn nhau mà sinh ra. Không có một sự vật nào có thể tự tồn tại riêng rẽ cả.

Không có bất kỳ thần linh nào trong các pho tượng. Thần linh chỉ hiện diện trong tâm trí của những người thành tâm.

Khi con người ta yêu thương chân thành, không đòi hỏi hay bám víu vào một điều gì, thì đó mới là tình thương yêu thật sự. Còn khi đã lệ thuộc vào điều kiện hay vì mục đích nào đó thì đấy chỉ là sự hấp dẫn nhất thời, nếu không được đáp lại, họ ắt sẽ đau khổ. Những người thực sự thương yêu nhau, thì dù có gặp cách trở hay nghịch cảnh, tình yêu đó vẫn không đổi thay. Tình thương yêu thực sự luôn lan tỏa năng lượng chữa lành diệu ỳ và không bao giờ gây ra khổ đau.

Trường đoạn kiếp nhân sinh ta đang trải qua chỉ là một thời khắc ngắn ngủi của một đời sống kéo dài hàng trăm ngàn năm – trên hành trình vô tận đó, chúng ta phải tích lũy kinh nghiệm sống để đạt được sự hiểu biết thực sự. Đời sống là trường học vĩ đại nơi mỗi người học đều cần phải học. Có người học rất nhanh, và có người học chậm và không chịu học, vì lẽ đó họ cứ phải học tiếp. Trong ngôi trường rộng lớn này, đau khổ là bài học giá trị nhất, bởi lẽ con người chỉ chịu học khi lâm vào hoàn cảnh thực sự khổ đau. Không ai học được điều gì lớn lao và trưởng thành thực sự trong thuận lời đủ đầy cả.

Hãy nhìn khắp thế giới hơn 7 tỷ người, có bao nhiêu người đang hành động độc ác, vô nhân tính? Có những quốc gia đang đối xử với người khác tàn độc như thế nào? Có bao nhiêu cái chết thương tâm và cuộc sống bi đát của nhiều con người vô tội đã và đang diễn ra? Hãy thử nghĩ nếu tất cả đều chịu học hỏi và hiểu rõ về Nhân Quả, biết rõ một khi “gieo nhân gì sẽ gặt quả đó” thì có ai dám hành động vô nhân tính như vậy nữa không? 

Tương lai của mỗi con người, mỗi tổ chức, mỗi quốc gia và cả hành tinh này sẽ ra sao trong giai đoạn sắp tới là tùy thuộc vào thái độ ứng xử, nhìn nhận và thức tỉnh của từng cá nhân, từng tổ chức, từng quốc gia đó tạo nên. Nếu muốn thay đổi, cần khởi đầu bằng việc nhận thức, chuyển hóa tâm thức, lan tỏa yêu thương và chia sẻ sự hiểu biết từ mỗi người chúng ta trước.

Muôn kiếp nhân sinh cung cấp cho bạn độc kho kiến thức mới mẻ, vô tận của nhân loại lần đầu được hé mở, cùng những phân tích uyên bác, tiên đoán bất ngờ về hiện tại và tương lai thế giới của những bậc hiền triết thông thái. Thông điệp quan trọng xuyên suốt của tác phẩm thức tỉnh con người chính là nguồn gốc và cách thức vận hành luật Nhân Quả và Luân Hồi của vũ trụ. Đời người tưởng chừng rất dài nhưng lại trôi qua rất nhanh, sinh vượng suy tử, mong manh như sóng nước. Luật Nhân Quả cực kỳ chính xác, chi tiết, phức tạp, được thu thập qua nhiều đời, nhiều kiếp, liên hệ tương hỗ đan xen chặt chẽ lẫn nhau, không ai có thể tính được tích đức này có thể trừ được nghiệp kia, không ai có thể biết được khi nào nhân sẽ trổ quả. Nhưng, một khi đã gây ra nhân thì chắc chắn sẽ gặt quả – luật Nhân Quả của vũ trụ trước giờ không bao giờ sai.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *